Duy Tâm Tịnh Độ
Hòa Thượng Phổ Quang (Thích Thiện Huệ)
Xin sư ông giải thích thêm về thế
giới cũng do tâm tạo để chúng
con được hiểu rõ hơn về tâm, và
tâm này có phải là tâm trong "duy
tâm tịnh độ" không? Con xin đảnh lễ
sư ông.
Đáp:
Như chúng ta đã biết "thân tâm"
và "thế giới (cảnh giới)" đều do
nhân quả tạo thành, vì vậy mà mỗi
người từ thân tâm đến cảnh giới
đều khác nhau, có tốt xấu, phúc
họa, khổ lạc không đồng, điều này
do các nhân thường quen hành
trong quá khứ gọi là nghiệp chiêu
cảm thành, hoàn toàn không do
Phật trời nào đặt để.
Thân tâm và cảnh giới hiện tại của
mỗi người đã do nghiệp quá khứ
chiêu cảm nên, thì thân tâm và
thế giới của mỗi người trong
tương lai cũng sẽ tùy thuộc vào
các nhân quen làm trong hiện tại
(nghiệp) chiêu cảm thành.
Đức Phật nói kệ trong kinh Nhân
Quả.
Muốn biết nhân đời trước
Hãy xem quả đời này
Muốn biết quả tương lai
Hãy xem nhân kiếp này.
Chúng ta trải qua bao đời, mỗi đời
thân tâm và thế giới đều khác,
chẳng qua vì mỗi đời mỗi gieo
nhân khác nhau. Và chúng ta di
chuyển từ đời này sang đời sau
không bằng đôi chân và hình hài
này, chúng ta đi bằng một thứ vô
hình, đến một thứ hữu hình, tạm
nói do nghiệp lực là những chủng
tử (nhân) trong quá khứ (vô hình)
sẽ chiêu cảm thành thân tâm mới
và thế giới mới (hữu hình). Các
nghiệp nhân vô hình này là các
chủng tử của một bộ phận thuộc
tâm gọi là A lại da thức (tàng
thức).
A lại da chứa tất cả các nhân đã
gieo, nếu chủng tử (nhân) thiện
đa số, thì chiêu cảm nên thân tâm
lương thiện và cảnh giới an lạc
hạnh phúc. Nếu chủng tử ác
nhiều hơn thì chiêu cảm nên thân
tâm tàn độc và thế giới khủng bố.
Nếu tâm chỉ tạo thành thân tâm
mà vô can với cảnh giới, thì người
hiền cũng có thể sinh vào cõi ác
và ngược lại kẻ ác lại có thể sinh
cõi trời. Thế giới luôn tương ưng
với thân tâm, vì vậy Phật pháp gọi
thân tâm là chínhh báo và thế giới
là y báo. Y có nghĩa là dựa, giống,
không rời, do đó hễ chính báo là
thiện thì y báo sẽ là thế giới yên
vui. Y không thể lìa chính mà riêng
có, nên mới gọi là y.
Các bộ phận khác của tâm gồm
thức chấp ngã (mạt na), nên sinh
ra là chấp ngã ngay, ý thức do có
ngã thì có ý kiến phân biệt ta
người, và cảnh giới qua năm căn
của năm thức (mắt tai mũi lưỡi
thân) nên chính báo có đủ cả năm
thức. Về mặt tâm pháp nói năm
thức về mặt sắc pháp (thân) thì là
năm căn.
Đã hiểu mọi nhân từ tâm sinh, mọi
quả từ tâm thành, nhân quả bao
gồm thân tâm thế giới đều sinh và
thành nơi tâm nên kết luận "nhất
thiết duy tâm tạo". Bất luận nội
căn ngoại khí, thân tâm thế giới
thảy đều do tâm sinh, vì đều là
chủng tử trong tâm.
Như vậy mười phương ba đời chư
Phật cùng nhất thiết Phật độ đều
"duy tâm" cả. Chư Phật và tịnh độ
còn thế huống hồ chúng sinh và
cõi luân hồi, làm sao ra khỏi tâm
được. Chính vì vậy khi trưởng giả
tử Bảo Tích bạch hỏi đức Phật
lầm thế nào để cầu được tịnh độ.
Đức Pháp dùng kệ đáp :
Muốn cầu tịnh độ
Chỉ cần tịnh tâm
Tùy tâm thanh tịnh
Cõi Phật tịnh theo.
Lại nữa niệm Phật không thể vãng
sinh nếu không hội đủ điều kiện
"nhất tâm bất loạn". Nhất tâm bất
loạn là gì? Là tâm người niệm với
tâm Phật không hai, chỉ còn một,
nếu thấy ta và Phật là hai, đồng
với loạn tâm.
Nhưng vì sao nhất tâm bất loạn
thì dù một niệm cũng vãng sinh?
Tâm Phật hay chân tâm vốn gồm
sẵn đủ sự thanh tịnh ở cả chính
báo lẫn y báo. Chính báo là thân
tâm quang minh vô cấu, y báo là
thế giới an lạc vô tận. Khi tâm ta
trở thành một với tâm Phật có
nghĩa tâm loạn động của ta không
còn nữa chỉ còn mỗi tâm Phật,
nên gọi là nhất tâm bất loạn, khi
ấy chính báo và y báo của Phật
cũng là của ta. Điều này nói theo
thiền là "tức tâm tức Phật", nói
theo tịnh độ gọi là "duy tâm tịnh
độ".
Nếu chỉ niệm Phật mà không nhất
tâm với tâm Phật thì vẫn loạn tâm,
nên vừa ngừng niệm Phật liền
niệm vợ niệm chồng, niệm con
niệm cái, niệm ăn uống vui chơi,
niệm đủ mọi dục lạc, hơn thua
thương ghét, niệm vô số tán loạn
như vậy, nên nói là tâm loạn. Tâm
đã loạn như vậy tất nhiên không thể
nhất tâm với Phật được, và do đó
tâm loạn này sẽ là nhân tạo thành
quả thân tâm và thế giới đầy động
loạn.
Nhiều người tin niệm Phật cho
thật nhiều sẽ vãng sinh, họ quên
rằng không cần nhiều ít chỉ cần nhất
tâm bất loạn thì dù một niệm cho
đến không niệm cũng vẫn vãng sinh,
như đức Phật dạy Bảo Tích "tùy kì
tâm tịnh, tức Phật độ tịnh", hay
như kinh A Di Đà nói niệm dù một
câu hay một ngày mà nhất tâm
bất loạn thì sẽ vãng sinh.
Như vậy niệm thế nào để "nhất
tâm bất loạn".
Trong kinh Di Đà nói "bất khả dĩ
thiểu thiện căn phúc đức nhân
duyên đắc sinh bỉ quốc" không thể
dùng chút nhân duyên phúc đức
tẻo teo sinh về cõi Phật được.
Đây là lời nhắc nhở cho phép
niệm nhất tâm.
Thế nào là phúc đức ít ỏi? Đó là
phúc báo của loạn tâm, có nghĩa
nhân duyên làm thiện chỉ vì cầu
phúc cho bản thân, đại để như
cần cầu thì phóng sinh, qua cơn
cầu thì ăn giết thỏa thuê, hoặc vì
cần cầu mà bố thí cho người
nghèo khổ, qua rồi thì bóc lột, nạt
nộ khinh khi. Những thứ phúc này
gọi là phúc đức ít ỏi vì phát khởi
từ những nhân duyên của tâm
tính toán mưu toan lợi kỷ, nên cao
lắm cũng chỉ là phúc báo cõi
người, chưa đủ cho cõi trời nói gì
đến cõi Phật.
Ngẫm xem các vị bồ tát là hàng
đại công đức dĩ nhiên không cần
cầu phúc, và như vậy bồ tát sẽ
không bao giờ làm phúc cứu khổ
cứu nạn mà mặc sức hưởng thụ
sao? Nếu quả như thế thì chỉ là
hàng phàm phu của cõi trời
người, không xứng được gọi là bồ
tát. Do nhân duyên cứu khổ nạn
của bồ tát phát sinh từ lòng bi
mẫn mà không vì bản thân nên gọi là
"đại thiện căn công đức nhân
duyên" bằng công đức này chỉ
khảy móng tay cũng "đắc sinh bỉ
quốc".
Như vậy chúng ta nhận chân
được "đại công đức năng sinh bỉ
quốc" ấy chính là tâm cứu khổ
cứu nạn vì từ bi không vì cầu phúc
cho bản thân. Lại hằng từ bi không
có lúc bi lúc nộ, lúc hành lúc
quên, gọi là từ bi tam muội. Bồ tát
nơi tam muội này trải qua bao đời
cứu độ vô số chúng sinh. Tâm
như vậy, niệm hay không niệm cũng
đã nhất tâm bất loạn với chư Phật
rồi.
Cần lưu ý rằng khi tâm ta với Phật
là một, có nghĩa chỉ còn lại tâm
Phật, khi ấy trong tâm "nhất tâm"
ấy ta không còn thấy ta và Phật nữa,
mà chỉ thấy có chúng sinh khổ
nạn cần được cứu độ. Bởi trong
tâm Phật không có ngài chỉ có muôn
loài chìm trong biển khổ không
nơi nương tựa, và khi tâm ta là
một với tâm ngài, thì những gì
trong tâm ngài cũng hiện ra trong
tâm ta, những gì tâm ngài thấy, ta
cũng thấy. Những gì tâm ngài làm
tâm ta cũng làm, và trong tâm này
không còn có ta để thấy để làm cho
ta nữa. Thân tâm ngài là ta, cảnh
giới cũng là ta, đó là nhất tâm bất
loạn, là đại công đức và là điều
kiện vãng sinh cõi Phật.
Đa phần người tu tịnh độ, tu khẩu
bất tu tâm, họ tin theo ngụy
thuyết chỉ cần niệm Phật là đủ
vãng sinh, không cần phát tâm bồ
đề, hay hành mọi thiện pháp. Họ
bỏ qua yếu tố chính yếu là nhất
tâm bất loạn, mà chỉ coi trọng sự
trợ duyên là niệm danh. Họ hiểu
lầm nhất tâm là chỉ nghĩ đến Phật
khi niệm, nhất tâm tâm kiểu này
không thể chấm dứt động loạn
được, thiết tưởng toàn bộ người
niệm Phật đều nhận ra điều này,
mà không cần phải minh chứng, như
đã nói phần trên hễ ngừng niệm
Phật lập tức tạp niệm cho đến tà
niệm đều tự tại tung hoành trong
tâm và vô phương kháng cự. Vì
vậy không nên hiểu lầm ý nghĩa của
"nhất tâm bất loạn".
Tóm lại người học Phật cần hiểu
rõ về chân tâm. Chân tâm tức
Phật, chân tâm tức đại niết bàn.
không gì ngoài tâm được, khi hiểu ra
"tức tâm tức Phật" tất nhiên một
khi đâu cũng là tâm thì đâu cũng
đều là Phật, hữu tình vô tình thảy
đều là Phật. Vì vậy chân Phật Tỳ
Lô Gía Na không thuộc bốn tướng
nói chung là sắc tướng mà là
Không tướng, gọi đó là Pháp thân.
Thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá
Na có nghĩa là "biến nhất thiết
xứ" (ở khắp mọi nơi).
Nhờ hiểu rõ tâm mới thấy thiền
tịnh không hai. Học Phật là để nhận
ra chân tính bản lai đó là chân
tâm.
Cầu chư Phật gia hộ cho tất cả.
BA 10.1.2021