Đản Sinh Và Pháp Hoa Kinh
Hòa Thượng Phổ Quang (Thích Thiện Huệ)
Phẩm Phương tiện kinh Pháp Hoa Đức Phật tuyên thuyết “Chư Phật Thế Tôn xuất hiện nơi đời chỉ vì một nhân duyên lớn duy nhất. Xá Lợi Phất do đâu nói chư Phật Thế Tôn xuất hiện nơi đời vì một nhân duyên lớn duy nhất? Do chư Phật Thế Tôn muốn mở bầy Phật tri kiến cho chúng sinh, khiến được thanh tịnh mà xuất hiên nơi đời; do muốn chỉ dậy cho chúng sinh Phật tri kiến mà xuất hiện nơi đời; do muốn cho chúng sinh ngộ Phật tri kiến mà xuất hiện nơi đời; do muốn cho chúng sinh vào con đường Phật tri kiến mà xuất hiện nơi đời. Xá Lợi Phất! Đó là nhân duyên lớn mà chư Phật xuất hiên nơi đời”. (Chư Phật Thế Tôn duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế. Xá Lợi Phất! Vân hà danh chư Phật Thế Tôn duy dĩ nhất đại sự nhân duyên cố xuất hiện ư thế? Chư Phật Thế Tôn dục linh chúng sinh khai Phật tri kiến, sử đắc thanh tịnh cố xuất hiện ư thế; dục thị chúng sinh Phật chi tri kiến cố xuất hiện ư thế; dục linh chúng sinh ngộ Phật tri kiến cố xuất hiện ư thế; dục linh chúng sinh nhập Phật tri kiến đạo, xuất hiện ư thế. Xá Lợi Phất! Thị vi chư Phật dĩ nhất đại sự nhân duyên cố, xuất hiện ư thế). Theo lời dậy thuộc giáo pháp nhất thừa tức chân lý cao tột trên của Thế Tôn, thì đản sinh là “đại sự nhân duyên”. Và thế nào là đại sự nhân duyên? chính là “khai thị ngộ nhập” đó vậy. Nhân duyên này mới đích thực là nhân duyên thị hiện đản sinh.
Từ kim khẩu của Như Lai xác nhận ngài đản sinh nơi đời không ngoài nhân duyên khai thị cho chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến, mà không hề xuất hiện để hành động như một thần linh giáng phúc bảo hộ cho chúng sinh được trường tồn và hưởng lạc ngũ dục trong đời sống huyễn mộng này. Sự khai thị của Thế Tôn thật sự là tha lực chân chính duy nhất cho nhất thiết chúng sinh nương vào, mà không một tha lực nào có thể sánh bằng. Do nương tựa vào tha lực đó mà chúng sinh mở bầy được Phật tri kiến, một khi Phật tri kiến được mở bầy, tất thành tựu một tự lực chân chính nhất trong mọi tự lực, vì tự lực này đưa đến sự ngộ nhập Phật trí kiến, tức dứt sạch mọi hoặc lậu thành tựu nhất thiết chủng trí. Và như thế đản sinh chính là đại sự nhân duyên, là khai thị ngộ nhập Phật tri kiến, là sự thọ kí cho nhất thiết chúng sinh (phẩm Thường Bất Khinh).
Đản sinh và Tha lực với Tự lực.
Nhất thiết chúng sinh đều hội đủ 2 lực để sinh tồn, đó là tha lực và tự lực. Trong đời sống con người rất biết lợi dụng vào tha lực từ thiên nhiên vạn vật để nẩy sinh ra tự lực sinh tồn, nếu thiên nhiên và vạn vật hoàn toàn không có lực tất tự lực của con người không phát triển được. Con người mượn sức gío, sức nóng, sức trôi chẩy…để bằng tự lực phát minh ra mọi thứ. Ngay đến lực (tự) của thiên nhiên mà con người lợi dụng được cũng dựa vào các tha lực khác để hoàn thành. Song các tha lực này được gọi là thế gian phương tiện pháp, vì chúng chỉ giúp cho con người phát triển một tự lực duy trì sự hiện hữu trong ba cõi, qua sáu nẻo luân hồi, luẩn quẩn trong thế gian pháp, nên cả 2 lực này đều chỉ là lực của huyễn pháp trong mộng cảnh.
Nhưng nếu không có tư duy thì mọi tha lực có sẵn trong thế giới này cũng chẳng giúp cho con người được điều gì. Những dân tộc bị coi là lạc hậu là những người không biết tư duy để sản sinh ra một tự lực khai thác mọi tha lực vốn sẵn bàng bạc khắp không gian. Tha lực chính là phương tiện lực giúp cho tự lực thành toàn mọi sự. Vì vậy có thể nói rằng chính tư duy dẫn đến sự khám phá ra mọi tha lực, để nương vào đó hình thành nên một tự lực đầy công năng.
Từ khi Phật đản sinh, mới có sự khai thị Phật tri kiến để thấy mọi sự thật về huyễn và phi huyễn, khiến chúng sinh nhận chân ra tha lực “xuất thế gian phương tiện pháp” và đạt được năng lực lìa huyễn chứng chân, ngộ nhập “xuất thế gian cứu cánh pháp” .
Cũng vì nhân duyên đó đức Phật thị hiện nơi đời để khai thị Phật tri kiến cho chúng sinh, tức chỉ bầy cho chúng sinh phương cách tư duy hiểu biết chính xác mọi sự vật. Nương nơi “Phật tri kiến tức phương cách chính tư duy” đó, chính là dựa vào tha lực căn bản nhất để nhận ra tất cả mọi tha lực (phương tiện pháp), hầu hoàn thành một tự lực nhiếp hết mọi tha lực. Như vậy chỉ cần nương vào tha lực “khai thị Phật tri kiến” của Như Lai tất nhiếp thủ được tất cả mọi tha lực của cả thế gian lẫn xuất thế gian, hay còn gọi là nhất thiết phương tiện pháp. Vì thế để được giác ngộ không thể thiếu yếu tố đản sinh và quy y Phật.
Có được tri kiến “Nhận ra không sót một tha lực” của Phật là nhờ vào sự khai thị từ Phật, sự nhận ra mọi tha lực ấy đồng với điều biết hết các phương tiện pháp. Thành tựu một tự lực nhiếp hết mọi tha lực, đó là sự ngộ nhập vào tri kiến của Phật, “tự lực nhiếp hết mọi pháp” là năng lực hành sử được tất cả mọi phương tiện pháp.
Chúng sinh phải dựa vào sự đản sinh của Như Lai để được khai thị Phật tri kiến. Nhờ vào tha lực khai thị ấy, chúng sinh phát sinh lực ngộ nhập Phật tri kiến, tức nhiếp hết mọi phương tiện pháp được tha lực khai thị. Chư Phật chỉ có thể khai thị cho chúng sinh mà chẳng thể ngộ nhập cho chúng sinh được. Chúng sinh chỉ có thể ngộ nhập sau khi được Phật khai thị mà không thể tự khai thị nổi, như kinh Hoa Nghiêm dậy
Thí như ám trung thất, (như vào trong nhà tối)
vô đăng bất khả kiến (không đèn ắt chẳng thấy)
Phật pháp vô nhân thuyết (Phật pháp không người nói)
Tuy huệ bất năng liễu. (tuy huệ cũng bằng không).
Vì thế nên biết khai thị là tha lực và ngộ nhập là tự lực. Đức Phật vì một đại sự nhân duyên mà đản sinh nơi đời, đó là khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Để chúng sinh đủ tự lực khôi phục bản giác (Phật tri kiến), chư Phật đã từ bi thị hiện đản sinh nơi đời hầu khai thị cho chúng sinh tính bản giác vốn sẵn đủ nơi nhất thiết chúng sinh, khiến chúng sinh nương vào tha lực khai thị của Phật mà thành tựu tự lực hồi nhập bản giác. Nếu không nắm bắt được tha lực khai thị để nhận ra mọi phương tiện pháp đưa đến sự thành tựu tự lực hồi quy bản giác này, tất nhiên chưa được khai thị và ngộ nhập, đồng nghĩa với không có đại sự nhân duyên với Phật để cùng Phật đồng trụ Bảo sở, mà chỉ có tiểu sự nhân duyên nương nơi Hóa thành.
Như vậy “Phật đản sinh” mang ý nghĩa giác ngộ, mọi nghĩa khác đều chẳng phải thật nghĩa của đản sinh. Do đó không nên dùng tiểu sự “nhân duyên hóa thành” mừng sự đản sinh của đại sự “nhân duyên bảo sở”.
Kinh Pháp Hoa được coi như vua trong các kinh, vì vấn đề khai thị bằng pháp “phá quyền hiển thật”, chỉ bầy cho chúng sinh biết tính bản giác bình đẳng sẵn có của tất cả chúng sinh, và hết mọi chúng sinh đều chỉ có cùng một cứu cánh bình đẳng là hồi nhập tính bản giác này. Cứu cánh này bình đẳng nơi nhất thiết chúng sinh, tất cả các pháp ngoài cứu cánh được gọi là Bảo sở (kho bảo) này đều chỉ là phương tiện tức Hóa thành. Vì căn tính yếu kém của chúng sinh nên Như Lai lập Hóa thành cho chúng sinh có phương tiện thứ lớp tu tập đến Bảo sở, nhưng chúng sinh lại thỏa mãn với Hóa thành an ổn này không muốn xa lìa, vì vậy Như Lai phá bỏ Hóa thành (phá quyền) thúc đẩy chúng sinh tiến đến cứu cánh Bảo sở tức bản giác (hiển thật). Do những yếu tố này kinh Pháp Hoa được coi là pháp chỉ bầy ra cứu cánh chân thật bình đẳng, gọi tắt là nhất thừa pháp. Song không phải ai cũng được khai thị (thật với quyền pháp) và ngộ nhập được cứu cánh chân thật, nên ngay khi đức Phật nhận lời cầu thỉnh của ngài Xá Lợi Phất “phá quyền hiển thật” đã có tới 5 ngàn Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc và Ưu bà di lìa pháp hội ra đi. Thời chính pháp của Phật mà còn có hàng tăng thượng mạn nói trên, hà huống thời mạt pháp. Ngày nay tuyệt đại đa số tụng kinh Pháp Hoa bằng tinh thần tăng thượng mạn, nên họ tuy tụng kinh nhất thừa nhưng vẫn trì giữ “ngã pháp thừa”. Bản thân kinh Pháp Hoa vốn như cơn mưa, tùy theo tâm tính chúng sinh mà cơn mưa đó có lớn nhỏ, như cổ thụ thấy mưa nhỏ, cỏ dại thấy mưa lớn. Bằng tinh thần thiếu khai thị ngộ nhập tụng kinh Pháp Hoa thì kinh đó là “Pháp Hoa Hóa thành kinh”, còn như tụng bằng tinh thần khai thị ngộ nhập, tất kinh này là “Pháp Hoa Bảo sở kinh”. Nên đồng tụng kinh Pháp Hoa mà kết quả không đồng. Người tụng kinh “Pháp Hoa Bảo sở” được Như Lai thọ kí, kẻ tụng kinh “Pháp Hoa Hóa thành” bị Như Lai quở vì chỉ cầu Hóa thành phi cầu Bảo sở, đó là hàng tăng thượng mạn bỏ pháp hội Diệu Pháp ra đi, càng tụng càng xa tinh thần “khai thị ngộ nhập”, càng thiếu đại sự nhân duyên với Như Lai. Và như vậy đối với hạng người này đức Thế Tôn chưa thật sự đản sinh, nói gì đến ngoại đạo hay vô thần.
Nếu không có sự đản sinh, tất phàm nhân sẽ nương vào tha lực luân hồi của tam giới làm động lực lưu chuyển muôn kiếp không dừng. Phật đản sinh như con thuyền vớt người chơi vơi trong biển cả, như ánh đuốc soi đường trong đêm tối âm u, thực vậy, chỉ có sự đản sinh mới mang lại cho chúng sinh một tha lực như người sắp chìm vớ được thuyền bè, như người đi bên bờ vực trong đêm có được ánh đèn. Tha lực khai thị này vừa khiến chúng sinh tránh thoát hiểm nguy, vừa giúp chúng sinh đến bến bờ bình an. Nếu không có sự đản sinh, tất Phật pháp vô nhân thuyết, chúng sinh làm sao phát khởi được trí huệ lực hồi quy bản giác. Để mừng đản sinh đúng với chân thật nghĩa, tất hàng Phật giáo đồ phải hướng đến cứu cánh chân thật bình đẳng, phát tâm dõng mãnh biến mọi pháp thành phương tiện dẫn đến cứu cánh Niết bàn.
Có hai hình thức đản sinh. Thứ nhất là thị hiện đản sinh ở Lâm Tỳ Ni cách đây hơn 26 thế kỉ. Thứ hai là chân thật đản sinh thành tựu khai thị ngộ nhập cho những chúng sinh hữu duyên. Sự đản sinh ở Lâm Tỳ Ni là ngoại sinh, Phật đản sinh bên ngoài chúng sinh, sự đản sinh ở đại sự nhân duyên là nội sinh, Phật đản sinh ngay trong ta. Đức Phật ngoại sinh để khai thị, và nội sinh để ngộ nhập, vì vậy sự đản sinh của Phật cũng là sự đản sinh (thành Phật) của nhiều vị Phật. Bất kì ai được “sự đản sinh khai thị ngộ nhập” này đều được Phật nơi tự thân đản sinh tức năng thành Phật đạo.
Đản sinh và Tứ động tâm.
Dưới con mắt thế gian thì Phật đản rồi Thành đạo, tiếp đến là Chuyển pháp luân và cuối cùng là Niết bàn. Nhưng bằng Huệ nhãn thì cả bốn tướng này đồng thời.
Luận theo “nội đản sinh”, thì ngay khi Thế Tôn thành đạo, là Phật đản sinh. Nhưng thành đạo gì thì Phật mới đản sinh nơi ngài? Thành đạo “đại sự nhân duyên” khai thị ngộ nhập Phật tri kiến. Chuyển pháp luân là khai thị chúng sinh Phật tri kiến. Nhập Bát Niết bàn là ngộ nhập Phật tri kiến. Như vậy Chuyển pháp luân (hạ hóa) và Nhập Niết bàn (thượng cầu) đó là sự thành đạo. Thành đạo là nhân, Đản sinh là quả.
Luận theo “ngoại đản sinh”, thì nhờ sự thị hiện đản sinh của Như Lai, mà chúng sinh biết đến 2 pháp thành đạo của Như Lai, đó là Chuyển pháp luân và Niết Bàn. Nhờ Chuyển pháp luân mà được khai thị, nhờ Niết bàn mà được ngộ nhập, thành tựu được hai pháp này, mới thật sự thành đạo, và do vậy Phật tự đản sinh nơi ta.
Bốn tướng Đản sinh, Thành đạo, Chuyển pháp luân và Niết Bàn là tổng kết đại sự nhân duyên của nhất thiết chư Phật, cũng như của nhất thiết chúng sinh. Bốn tướng này chư Phật đã thành, và chúng sinh sẽ thành nhờ vào sự thị hiện bốn tướng này của chư Phật nơi đời. Mục tiêu thị hiện đản sinh ra tứ tướng này không ngoài mục đích chỉ bầy cho chúng sinh có đủ tứ tướng và giúp cho chúng sinh hiển bầy được tứ tướng vốn sẵn đủ nơi nhất thiết chúng sinh.
Đản sinh không chỉ thuần là đản sinh, mà còn đản sinh cả ba tướng kia. Thật nghĩa của đản sinh trùm khắp các pháp, từ phương tiện pháp cho đến thật pháp cứu cánh bình đẳng, không gì ngoài nghĩa đản sinh.
Nhân ngày đản sinh, ngưỡng nguyện ba đời mười phương hết thẩy chư Phật, tôn pháp đều đồng đản sinh khắp cả pháp giới chúng sinh.
Nam mô Vô khứ Vô lai, Vô sinh Vô diệt, Thường trụ bất động Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Côn Minh ngày rằm tháng 4 năm Kỉ sửu.